Có lẽ, bất cứ ai đã từng đặt chân tới mảnh đất cố đô của Việt Nam, ngoài muốn thưởng thức cảnh đẹp của xứ Huế mộng mơ, đắm chìm trong hoài cổ của đền đài lăng tẩm, hay trầm trồ trước sự bề thế, uy nghiêm của Tử Cấm Thành, du khách còn mong muốn một lần được thưởng thức nhã nhạc cung đình Huế, một nét tinh hoa của âm nhạc dân tộc và nhân loại. Thời quân chủ, nhã nhạc cung đình chỉ có vua chúa, hoàng tộc, quan lại cấp cao hay những vị khách ngoại giao đặc biệt mới được thưởng thức. Nhưng ngày nay, thật may mắn khi mỗi chúng ta đều có thể tai nghe mắt thấy thứ âm nhạc ấy tại một nhà hát được coi là cổ xưa nhất Việt Nam mang tên: Duyệt Thị Đường.
Tiết mục mà chúng ta đang được thưởng thức là một bản đại nhạc trong thể loại nhạc lễ cung đình. Bản đại nhạc có một cái tên hết sức ấn tượng: Song tấu trống kèn Mã vũ du xuân tấu mã, xưa kia bản nhạc thường chỉ được dùng trong dịp Tết và những ngày lễ lớn. Điều đặc biệt của tiết mục này đó là: những nghệ sĩ đang biểu diễn trên sân khấu, họ cùng là thành viên trong một gia đình có ba thế hệ. Và đặc biệt hơn nữa, người nghệ sĩ này năm nay đã 102 tuổi, cụ là một trong những nghệ nhân nhã nhạc cung đình nhiều tuổi nhất còn sống hiện nay. Tương truyền, thời Nguyễn, từ vua quan trong hoàng cung đến thần dân trăm họ đều say mê hát tuồng hát bội. Thời Vua Minh Mạng còn thành lập hẳn một trường đào tạo diễn viên tuồng gọi là Thanh Bình Thự. Duyệt Thị Đường cũng được vua Minh Mạng cho xây trong khu vực Tử Cấm Thành không chỉ để tấu nhạc cung đình, mà còn là nơi để trình diễn tuồng, kịch hát, ca Huế theo yêu cầu và sở thích của nhà vua.
Đây là hình ảnh Duyệt Thị Đường được chụp từ trên cao xuống vào năm 1932. Nhìn từ đây chúng ta có thể dễ dàng thấy được vị trí cũng như quy mô bề thế của Duyệt Thị Đường. Nhà hát nằm ở bên trái của Tử Cấm Thành, nối với điện Càn Thành (nơi dành riêng để vua ăn nghỉ) bằng một hệ thống hành lang có mái che. Duyệt Thị Đường có tổng diện tích 11.740 m² và diện tích xây dựng nhà hát là 1.182 m². Nằm giữa đại nội Huế, Duyệt Thị Đường mang trong mình những nét rất riêng. Trong khuôn viên của nhà hát ngoài đỉnh đồng và đôi rồng sừng sững trước sân, ta còn thấy được nét kiến trúc phương Tây qua những cột đèn này. Và Duyệt Thị Đường không chỉ được biết tới bởi quy mô hoành tráng mà nó còn được đánh giá cao về nghệ thuật kiến trúc độc đáo.
Duyệt Thị Đường chúng ta đang nhìn thấy đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa và cơ bản không còn giữ được kiến trúc cổ xưa như trước. Tuy nhiên, nhà hát này vẫn mang trong mình những giá trị lịch sử và nghệ thuật vô cùng quý báu. Gần 200 năm tồn tại, Duyệt Thị Đường đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử. Có thời gian, Duyệt Thị Đường tưởng chừng thành phế tích, tiếng đàn tiếng hát tưởng chừng sẽ tắt hẳn. Nhưng với những giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật quý báu, Duyệt Thị Đường lại tiếp tục sáng đèn. Những cuộc thưởng lãm nghệ thuật của triều đình vua chúa nhà Nguyễn đã chỉ còn là một thời vang bóng, nhưng Duyệt Thị Đường sẽ mãi là nhà hát cung đình Huế, là nơi gìn giữ tinh hoa, hồn cốt của nghệ thuật Việt Nam./.
Anyfuninvietnam.com - All things you need in Vietnam